Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam quyết tâm ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải, góp phần vào thành công của hội nghị biến đổi khí hậu COP26. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Chile Sebastian Pinera tối 27/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam quyết tâm ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn, thể hiện trách nhiệm với nỗ lực chung để bảo vệ môi trường, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.Thủ tướng đánh giá cao vai trò và đóng góp của Chile về ứng phó biến đổi khí hậu trên cương vị chủ tịch Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2019 (COP25), đồng thời đề nghị Chile cùng thúc đẩy cộng đồng quốc tế tạo điều kiện cho nhóm nước đang phát triển tiếp cận tài chính, công nghệ để nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) sẽ được tổ chức từ 31/10 đến 6/12 tại Glasgow, Scotland.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc điện đàm với Tổng thống Chile. Ảnh: BNG.

Tổng thống Sebastian Pinera bày tỏ coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực quan trọng này, hướng tới một Trái Đất an toàn cho thế hệ tương lai. Ngoài ra, ông Pinera nói Chile muốn hợp tác với Việt Nam về lĩnh vực năng lượng và tham gia vào các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam và ASEAN là thành viên.

 (Trích vnexpress.net)

 

Trước đó,  Tối 23-9 (giờ Việt Nam), nhận lời mời của Thủ tướng Ireland Micheal Martin, Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại Phiên họp cấp cao của HĐBA LHQ về an ninh khí hậu. Tham dự phiên họp có Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, các nguyên thủ và đại diện cấp cao các nước thành viên HĐBA.

Tại phiên họp, Chủ tịch HĐBA và các đại biểu đều bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến hòa bình và an ninh quốc tế, nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần tăng cường hành động ứng phó với BĐKH. Tổng Thư ký LHQ kêu gọi các nước tăng cường nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, tạo đột phá trong thích ứng và nâng cao khả năng tự cường của các quốc gia và cộng đồng dân cư. Tổng Thư ký Guterres kêu gọi các nước phát triển thực hiện đúng cam kết đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm cho Quỹ Khí hậu xanh, đồng thời nhấn mạnh kêu gọi tăng cường hợp tác đa phương nhằm giải quyết thách thức đan xen về khí hậu và an ninh, tận dụng tính bổ trợ lẫn nhau giữa các hoạt động thích ứng khí hậu và xây dựng hòa bình.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên họp cấp cao của HĐBA LHQ về an ninh khí hậu. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tác động khốc liệt hiện hữu của BĐKH ở khắp các châu lục tiềm ẩn nguy cơ bùng phát căng thẳng, bất ổn địa chính trị, ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, an ninh và sự phát triển thịnh vượng ở nhiều khu vực trên thế giới.

Chủ tịch nước đưa ra khuyến nghị về ba nhóm giải pháp mà HĐBA nói riêng và LHQ nói chung cần quyết liệt hành động trong thời gian tới. Thứ nhất, HĐBA cần đi đầu xây dựng các cơ chế đánh giá, dự báo và cảnh báo về các nguy cơ an ninh khí hậu từ sớm, từ xa để chủ động ứng phó. Để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách ứng phó ở cấp độ toàn cầu, Chủ tịch nước đề xuất sáng kiến thiết lập cơ sở dữ liệu tổng thể về tác động đa chiều của tình trạng nước biển dâng.

Thứ hai, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần đặt lợi ích của người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, ở vị trí trung tâm để có thể xử lý hài hòa mối liên hệ mật thiết giữa an ninh, phát triển và nhân đạo.

Thứ ba, Chủ tịch nước đề nghị cần bảo đảm chủ quyền, vai trò chủ đạo và năng lực tự cường của các quốc gia trong những nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác quốc tế để bổ trợ, kết nối các nguồn lực để thực hiện Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về BĐKH và các thỏa thuận quốc tế lớn khác.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH, phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, phát thải ít carbon. Chủ tịch nước cũng đề cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế liên quan về ứng phó với BĐKH, khẳng định ủng hộ mọi nỗ lực ứng phó với các thách thức liên quan đến BĐKH tại HĐBA, các diễn đàn đa phương và các khuôn khổ hợp tác song phương, khu vực khác.

(Trích TTXVN)